Bản Kiều chữ Nôm đặc biệt

Nguồn của tài liệu nầy

Ai cũng biết, Đào Duy Anh là nhà bách khoa toàn thư, người mở đầu cho nhiều nghành khoa học xã hội tại Việt Nam. Những cuốn từ điển, cuốn sách nghiên cứu, khảo luận của ông được coi là bản chuẩn nhất. Trong số những công trình đó, phải kể đến những công trình nghiên cứu, những cuốn sách về Truyện Kiều được coi là chuẩn nhất hiện nay. Ấy vậy mà lại có người “dám” bạo gan sửa chữ của ông. Đó chính là lương y Nguyễn Khắc Bảo, người đã sửa 918 chữ trong 701 câu trong bản in của cụ Đào Duy Anh về Truyện Kiều.

Chẳng kể đường xa vào Nam ra Bắc, không thể kể hết những vùng đất mà ông đã đến tìm dấu chân nàng Kiều. Nhưng có một địa danh đã đem lại cho ông Nguyễn Khắc Bảo một cuộc gặp gỡ khó quên của cơ duyên, ấy là ngôi nhà của gia đình hậu duệ anh trai đại thi hào Nguyễn Du, cụ Nguyễn Trừ.

Hậu duệ của cụ Nguyễn Trừ có trong tay bản Kiều nôm cổ nhưng do không am hiểu nhiều về chữ nôm, lại thấy ông Bảo là người say mê Kiều nên đã giao báu vật của dòng họ cho ông cất giữ. Đó là một bản in khắc gỗ nhưng qua nhiều năm bị mất tờ bìa nên đến nay vẫn chưa rõ là được in năm nào.

Sau gần hai chục năm miệt mài tìm kiếm, lương y Nguyễn Khắc Bảo đã có được 52 bản Kiều nôm cổ. Trong đó có 22 bản gốc được in bằng phương pháp khắc gỗ cầu kỳ, có khi mất nhiều năm trời mới in xong một cuốn; còn lại là các bản photo, bản chép tay Kiều nôm.Đặc biệt, trong số đó có tới 32 bản hiện được coi là “độc nhất vô nhị” chỉ vị lương y này có.

Cổ nhất trong 52 bản Kiều chữ nôm cổ có lẽ phải kể đến bản Liễu Văn Đường 1866. Đây là bản có niên đại lâu đời nhất mà người ta tìm thấy cho đến ngày nay. Nhưng trong bộ sưu tập hiếm có của ông Bảo, còn một cuốn giá trị cũng không kém, được cho là bản chép tay để lấy mẫu in khắc gỗ cuốn Liễu Văn Đường. Đây có thể là một trong những bản Kiều cổ nhất xét cả về nội dung câu chữ và chất liệu giấy.

Có những câu chữ trong bản Kiều nôm cổ khắc gỗ hiện thuộc sở hữu của lương y Nguyễn Khắc Bảo mà không một bản Kiều nôm cổ nào khác có được, như câu thơ “Lạ gì bỉ sắc tư phong” là câu phổ biến in trong các bản Kiều hiện nay với ý nghĩa là “người ta hơn mặt này nhưng lại kém mặt kia” như cô Thúy Kiều nhan sắc nghiêng thành nhưng tình duyên lại lận đận. Trong khi đó bản Kiều nôm cổ của ông Bảo thì câu thơ này nguyên bản là: “Lạ gì bỉ sắc thử phong”.

Giải thích về sự khác nhau này, ông Bảo nói: “Chữ “thử phong” là dựa trên câu thành ngữ Hán: Phong vu bỉ – Sắc vu thử. Rút gọn lại là “bỉ sắc thử phong” chứ không phải tư phong như người ta vẫn dùng”.

Hoặc câu thơ: “Quản chi lên thác xuống ghềnh – Cũng toan xuống thác với tình cho xong” in trong bản chữ quốc ngữ; trong khi bản Kiều cổ là “Quản chi trên các dưới duềnh – Cũng toan xuống thác với tình cho xong”. Ban đầu khi đưa ra chữ gốc của câu thơ này, không ai hiểu tại sao lại là chữ “trên các dưới duềnh”, cũng không ai hiểu câu thơ đó có nghĩa gì.

Lương y Nguyễn Khắc Bảo cũng chính là người đầu tiên “giải mã” được điển cố này, làm sáng nghĩa của câu thơ khó hiểu trên. ( “Câu đó là dựa trên điển tích Dương Hùng nhảy từ trên các xuống chết, còn câu “dưới duềnh” thì duềnh là mặt nước, dưới duềnh tức là dưới mặt nước – dựa trên điển cố Khuất Nguyên can vua Sở Hoài Vương không được bèn ôm hòn đá nhảy xuống sông Mịch La tự vẫn. Đó mới đúng nghĩa của câu thơ chứ không phải là “trên thác dưới ghềnh” chỉ sự gian khó thông thường.)

Việc chỉnh sửa 4 chữ quan trọng làm thay đổi cả ý nghĩa câu thơ này được ông Nguyễn Khắc Bảo dựa vào bản in cổ Liễu Văn Đường năm 1866, năm 1871; bản Thịnh Mĩ Đường và Quan Văn Đường năm 1879.

Mê Kiều và say chữ nôm cổ nên vị lương y giữ gìn 52 bản Kiều nôm cổ cẩn thận như những báu vật có một không hai. Dựa vào các báu vật trên, ông Nguyễn Khắc Bảo còn “chỉnh” lại thời điểm mà Nguyễn Du viết Truyện Kiều: Trong các cuốn sách của cụ Đào Duy Anh thì truyện Kiều được viết vào khoảng 1814, thời vua Gia Long. Nhưng theo các bản Kiều nôm cổ thì Truyện Kiều được viết vào thời Tây Sơn, khoảng năm 1796 – 1801.

Truyện Kiều là kiệt tác văn học bậc nhất của văn chương Việt Nam, góp phần không nhỏ trong việc tôn vinh Đại thi hào dân tộc – Danh nhân văn hóa thế giới: Nguyễn Du.

Dù đến nay văn bản gốc có thủ bút của tác giả vẫn chưa sưu tầm được nhưng bộ sưu tập 52 bản Kiều cổ của lương y Nguyễn Khắc Bảo đã giúp hậu thế đến gần hơn với nguyên tác của cụ Nguyễn Du.